Phần Lan - đất nước có nền kinh tế sáng tạo thứ ba thế giới

Người đăng: ngaybennhau on Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.tinkinhte.com/the-gioi/chau-au/phan-lan-dat-nuoc-co-nen-kinh-te-sang-tao-thu-ba-the-gioi.nd5-dt.68104.102105.html
Diện tích tương đương Việt Nam, dân số chỉ 5,3 triệu người, nhưng Phần Lan đã tạo được nền kinh tế phát triển cao trên thế giới. Nhận lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Phần Lan Matti Vanhanen có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 15 đến 17-11-2009.
Công nghệ thân thiện môi trường, sáng tạo là động lực phát triển
Từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu sau chiến tranh thế giới thứ 2, Phần Lan đã vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển có sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, có chuyên môn hóa cao: công nghiệp gỗ, giấy, luyện kim, đóng tàu, cơ khí, điện tử, hóa chất…
Thiên nhiên ở Phần Lan không ổn định, nhất là những vùng biển thấp so với mặt biển Baltic. Vì vậy Phần Lan đã cố gắng phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường. Trong vòng hơn 100 năm qua, Phần Lan đã quản lý và khai thác những cánh rừng này một cách hiệu quả.
Helsinki, thủ đô và là cảng biển của Phần Lan
Với khí hậu lạnh, thời tiết khắc nghiệt, nguồn tài nguyên năng lượng chẳng có mấy trong khi nhu cầu năng lượng lớn, Phần Lan cũng luôn đề cao và tập trung phát triển lĩnh vực này. Phần Lan đã tiến hành bảo tồn năng lượng và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và phát triển những nguồn năng lượng có thể tái tạo, hiện chiếm 25% lượng năng lượng sử dụng của đất nước.
Ngoài lâm nghiệp và năng lượng, Phần Lan đã nổi lên là nước phát triển mạnh về công nghệ thông tin. Chuyên môn hóa cao là đòi hỏi thiết yếu để phát triển các ngành công nghiệp. Theo đó, Chính phủ Phần Lan luôn chú trọng gắn giáo dục với nghiên cứu và sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế.
Phần Lan gặt hái nhiều thành công trong việc biến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo xếp hạng của Ủy ban Sáng tạo châu Âu (EIS), Phần Lan được xếp hạng là nền kinh tế sáng tạo thứ ba thế giới, vượt xa mức trung bình của châu Âu và Hoa Kỳ được Diễn đàn Kinh tế thế giới (2004) đánh giá là đất nước có “văn hóa sáng tạo”. Có rất nhiều công ty của Phần Lan hiện là những công ty công nghệ thông tin hàng đầu mang tính sáng tạo cao.
Phần Lan có nền giáo dục tiên tiến, theo kết quả các cuộc kiểm tra PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế tiến hành 3 năm một lần tại các nước công nghiệp phát triển – gọi tắt OECD và các quốc gia phát triển khác ngoài OECD) kết quả học tập của học sinh Phần Lan độ tuổi 15 luôn được đánh giá xuất sắc nhất qua các lần kiểm tra năm 2000, 2003 và 2006.
Với kết quả ấn tượng đó, chỉ năm 2005, ngành giáo dục Phần Lan đã đón 120 đoàn đại biểu từ 30 quốc gia đến tìm hiểu hệ thống giáo dục của nước này. Cũng chỉ năm 2005, với sự quan tâm của dư luận quốc tế, Phần Lan đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề “PISA và giáo dục Phần Lan” với sự tham gia của đại diện từ 57 quốc gia. Từ kết quả của giáo dục Phần Lan, đã có nhiều đánh giá rằng con đường duy nhất cho một nước nhỏ để giữ mức độ phát triển cao và duy trì nền kinh tế cần hàm lượng tri thức lớn chỉ có chất lượng giáo dục mới tạo ra được.
Thương mại đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Phần Lan. Năm 2007, xuất khẩu đạt gần 93 tỷ USD, chiếm 1/3 GDP, với các sản phẩm quan trọng là thép, máy móc, thiết bị vận tải; thiết bị quang học và điện tử; sản phẩm giấy và gỗ.
Cũng như nhiều nước Bắc Âu khác, Phần Lan rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Nước sinh hoạt ở đây được đánh giá sạch nhất thế giới. Do có nhiều diện tích rừng (bình quân 4ha rừng/người), đứng đầu thế giới và gấp 15 lần mức trung bình của các nước Tây Âu), công nghiệp gỗ luôn là một ngành quan trọng của nền kinh tế Phần Lan, với 80% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Hàng năm Phần Lan xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn bột giấy và đứng thứ 2 thế giới sau Canada về xuất khẩu giấy, tổng giá trị gần 4 tỷ USD/năm…
Tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973, Phần Lan luôn ủng hộ Việt Nam cả trong thời kỳ đất nước ta khó khăn, bị bao vây, cấm vận cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Đến nay ODA của Phần Lan dành cho Việt Nam đã lên tới gần 400 triệu USD, với nhiều dự án cải tạo hệ thống cấp thoát nước đô thị, phát triển lâm nghiệp, nông thôn,…
So với nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), quan hệ thương mại Việt Nam - Phần Lan còn ở mức khiêm tốn. Cho đến nay đầu tư trực tiếp (FDI) của Phần Lan vào nước ta khoảng hơn 60 triệu USD (riêng 2007 đạt 17,1 triệu USD) với 6 dự án.
Hai nước cũng đã ký Hiệp định về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tháng 2-2009, hai bên đã ký Thỏa thuận chung về hợp tác giáo dục. Theo đó Phần Lan sẽ giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, y tế, môi trường, lâm ngư nghiệp…
Với việc 18 lao động Việt Nam sang làm việc tại vùng Ostrobothnia (Phần Lan) tháng 10-2008, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khu vực châu Âu đã đưa lao động sang theo hình thức hợp tác lao động di cư thí điểm của Phần Lan.
Truyền thống hợp tác hữu nghị giữa hai nước hai dân tộc đã ngày càng phát triển. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen sẽ giúp tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét