Tư duy chiến lược trong Khởi nghiệp kinh doanh

Người đăng: ngaybennhau on Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

1. Cuộc chiến sinh tồn giữa Chồn và Chó.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Vừa rồi bề tôi đi săn chồn tại một cánh đồng chà là trong một ốc đảo trên sa mạc. Loại chồn này chỉ sống quanh quẩn dưới những gốc cây chà là nên thiên hạ gọi là chồn chà là, hay chồn là cũng được. Tuy nhiên, đàn chó săn chạy đến đâu bầy chồn rúc liền xuống hang hết ráo. Tại sao bầy chồn lại yếu hèn như thế, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ngươi đánh giá như thế là sai rồi! Bầy chồn không hề yếu hèn mà trái lại cực kỳ khôn ngoan vì chúng ưu tiên giải quyết vấn đề tồn tại hay không tồn tại trước đã, còn chuyện khen chê tính sau!
Bầy chồn đang ca hát tưng bừng trong… hang. (ảnh: nguồn internet)

-         Bầy chồn đã khước từ giao chiến với đàn chó trên một chiến địa hoàn toàn bất lợi cho mình trên cánh đồng chà là. Chúng rúc vào hang chính là dịch chuyển chiến địa từ không gian bất lợi thế sang không gia có lợi thế hơn. Sự thật là đàn chó hoàn toàn bất lực khi bầy chồn đã yên vị trong hang.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Phải chăng với cùng một cặp đối thủ, có những chiến địa đối thủ này lợi thế hơn đối thủ kia và ngược lại, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Chính xác 100%! Đối với bầy chồn, chiến địa trong hang có lợi hơn so với trên cánh đồng chà là. Đối với đàn chó, chiến địa trên cánh đồng chà là có lợi hơn so với trong hang. Chiến lược cạnh tranh là chính là tìm cách dịch chuyển chiến địa sang không gian chiến lược có lợi cho mình và bất lợi cho đối phương.
-         Đây chính là tư tưởng của kế Điệu hổ ly sơn- kế thứ 15 trong Binh pháp Tôn Tử. Khi còn ở trên rừng, hổ được mệnh danh là Chúa sơn lâm nhưng khi xuống đồng bằng thì uy thế của hổ giảm đi rất nhiều. Trong mối quan hệ giao dịch với các nhà bác học, ngươi tuyệt đối không bàn về các học thuyết hàn lâm làm chi mà hãy tập trung vào vấn đề kinh doanh là khỏe re cho mà xem.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Tại sao phường thợ săn không thuê máy ủi đến đào hang bắt chồn, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Tất nhiên, phường thợ săn không phải không nghĩ đến ý tưởng này. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc đưa máy ủi đến đào hang là quá lớn so chiến lợi phẩm là một vài con chồn, đó là chưa nói bầy chồn có thể trốn thoát một cách ngoạn mục.
-         Giả sử không phải bầy chồn mà là những cục vàng to như con chồn thì hàng trăm máy xúc, máy ủi, máy khoan,… sẽ ập đến băm náp cánh đồng chà là này ngay tắp lự. 
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Trong cuộc chiến sinh tồn giữa bầy chồn và đàn chó, tạo hóa trao lợi thế cho bên nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Tạo hóa ban cho bầy chồn và đàn chó cơ hội như nhau, điều quan trọng là mỗi bên vận dụng chiến lược cạnh tranh như thế nào. Bên nào vận dụng chiến lược cạnh tranh tốt hơn bên ấy sẽ chiến thắng. Nói cách khác, có sự bình đẳng về cơ hội và sự khác biệt là do các bên tham chiến tự tạo ra mà thôi.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Nếu đàn chó cắt cử thay phiên nhau ngồi canh trên miệng hang thì bầy chồn sẽ ứng xử như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Cuộc chiến sinh tồn giữa bầy chồn và đàn chó trong quá khứ mang lại cho cả hai bên những kinh nghiệm đi vào tiềm thức thành bản năng sinh tồn.
-         Bầy chồn đã/đang/sẽ đào hệ thống hang có nhiều miệng lỗ tỏa đi khắp nơi nhằm hóa giải sự tập trung của đàn chó tại một miệng hang nào đó. Ngược lại, đàn chó biết rằng ngồi canh me ở một chổ chưa chắc đã hiệu quả hơn so với việc chạy lăng xăng nơi nọ nơi kia trên cánh đồng chà là.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Với hai chiến lược cạnh tranh của bầy chồn và đàn chó, bên nào tốn nhiều sức lực hơn, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Chiến lược của đàn chó mang tính tấn công, di chuyển vận động nên hao tốn nhiều sức lực. Trong khi đó, chiến lược của bầy chồn mang tính phòng ngự, nằm im một chỗ trong hang nên tiết kiệm được nhiều sức lực.
-         Đây chính là tư tưởng của kế Dĩ dật đãi lao- kế thứ 4 trong Binh pháp Tôn Tử. Bầy chồn lấy nhàn hạ của mình để đáp lại sự mệt mỏicủa đàn chó. Bầy chồn lấy sự thong thả của mình để đáp lại sự vội vàngcủa bầy đàn chó. Chiến lược phòng ngự của bầy chồn không hề yếu hèn mà là vô cùng trí tuệ. Yếu tố vật chất để triển khai chiến lược phòng ngự này là hang - đối với chồn.
-         Đàn chó có thể kiệt sức vì sự tiêu hao sức lực mà chẳng nên công cán gì và đành phải thất thểu kéo nhau đi tìm cơ hội khác. Ngoài cái chết vì bệnh tật, động vật săn mồi còn chết vì suy dinh dưỡng do năng lượng thu vào được từ các con mồi ít hơn năng lượng hao tốn trong quá trình săn mồi.


Tư duy phi giao chiến. (ảnh: nguồn internet)


Tư duy giao chiến. (ảnh: nguồn internet)



Một bên giao chiến một bên phi giao chiến. (ảnh: nguồn internet)
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Ở cao nguyên Adamawa thuộc miền trung nước Cameroon bên Châu Phi có bộ lạc thiểu số chuyên săn những con trăn Python bằng cách chui vào hang, chiến lược này hay chứ, thưa ngài tiên sinh?
Chui vào hang bắt trăn Python khổng lồ. (ảnh: nguồn internet)
Quân sư quạt mo:
-         Chiến lược này cực kỳ rủi ro vì mạng trăn mà có thể mất mạng người! Có lẽ chỉ có thần dân bộ lạc thiểu số Gba Yas nổi tiếng dũng cảm, mưu trí và lanh lẹ mới có gan chơi chiến lược này. Không có được những tố chất như họ, ngươi có dám chơi chiến lược này không? Nói cách khác, lựa chọn chiến lược cho doanh nghiệp nào cần cân nhắc yếu tố năng lực cốt lõi của doanh nghiệp đó.

2. Tư duy phòng ngự trong khởi nghiệp kinh doanh.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Tư duy phòng ngự của bầy chồn có ý nghĩa gì trong khởi nghiệp kinh doanh, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đấy! Người khởi nghiệp kinh doanh nên chọn chiến lược phòng ngự để tiết kiệm các nguồn lực của mình. Trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh, các nguồn lực còn nhiều hạn chế nên việc tiết kiệm càng trở nên có ý nghĩa.
-         Trên thực tế, người khởi nghiệp kinh doanh có khuynh hướng lựa chọn chiến lược tấn công trong khi tiềm lực của mình con quá non yếu. Sự hăng tiết vịt này là do họ quá lạc quan về sự thành công và cũng gàn đến mức bất chấp cả một số qui luật khách quan.
Bụng làm dạ chịu biết trách ai bây giờ! (ảnh: nguồn internet)
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Hệ quả của việc này là gì, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Nói chung, “đã yếu mà còn ra gió” lại “cương với bác sĩ Cường” nên người khởi nghiệp kinh doanh thường trao cho đối thủ cơ hội để đối thủ hủy diệt chính họ - một sự tự sát gián tiếp! Điều này lý giải vì sao tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp kinh doanh cực kỳ cao.
-         Có thể nói một cách không ngoa, gần như tất cả các dự án khởi nghiệp kinh doanh đều thất bại tan tác trong vài năm đầu tiên. Tuy nhiên, những người khốn khổ vì thất bại này lại có cơ may thành công lớn hơn rất nhiều trong những dự án kinh doanh sau này. Âu cũng là lẽ công bằng của đất trời trong chốn giang hồ khởi nghiệp kinh doanh.
Địch thủ chiến thắng là nhờ ta tự hủy diệt! (ảnh: nguồn internet)
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp kinh doanh là gần 100%, vậy có nên khởi nghiệp kinh doanh không, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Xưa nay, trong thiên hạ có hai quan điểm đối ngược nhau về vấn đề này như sau.
-         Quan điểm thứ nhất, xem sự nghiệp kinh doanh như một chuỗi các trận đánh, có thể thất bại trong các trận đánh nhưng chiến thắng trong toàn bộ cuộc chiến. Với một tư duy dài hạn và thâm sâu như thế, họ lao vào khởi nghiệp kinh doanh với một niềm tin chiến thắng… ở một trận chiến trong tương lai, còn bây giờ tận hưởng sự trải nghiệm thương trường là chính, dẫu biết rằng sự trải nghiệm này tốn kém tiền bạc vô cùng.
-         Đây là tư duy của các doanh nhân thành đạt trong thiên hạ. Sự nghiệp kinh doanh của họ có nhiều giai đoạn và họ sẵn sàng chấp nhận thất bại ở giai đoạn trước để làm nền tảng cho sự thành công của giai đoạn sau.
Trước, trong và sau khởi nghiệp kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
-         Quan điểm thứ hai, xem sự nghiệp kinh doanh là một trận đánh duy nhất và phải chắc cú là thắng mới khởi nghiệp kinh doanh. Với một tư duy ngắn hạn và phi thực tế như thế, họ không dámkhởi nghiệp kinh doanh hoặc khởi nghiệp kinh doanh gặp thất bại thì vĩnh viễn cạch kinh doanh tới già.
Ba thái độ đối với khởi nghiệp kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)

3. Giới hạn và sự mở rộng của năng lực.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Tại sao khởi nghiệp kinh doanh lại khó thành công, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Mỗi con người cũng như doanh nghiệp đều có những giới hạn nhất định về năng lực và kỹ năng. Các mối nguy hiểm xuất hiện khi con người/doanh nghiệp cố gắng vượt qua những giới hạn của chính mình và thường kết thúc trong sự kiệt quệ và tổn thương, thậm chí là cái chết!
Hai bàn tay không đủ để giải bài toán này. (ảnh: nguồn internet)
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Khởi nghiệp kinh doanh chỉ có mất mà không có được gì sao, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Rất công bằng! Mỗi khi vượt qua những giới hạn của mình thì năng lực và kỹ năng có khuynh hướng mở rộng ra nhưng kèm theo một khoản học phí là cái giá phải trả cho sự mở rộng ấy.
-         Khởi nghiệp kinh doanh là quá trình chuyển hóa một người đi làm thuê thành một người đi làm chủ với sự thay đổi trên nhiều phương diện: năng lực, kỹ năng, tâm hồn, phong cách,… Thật không may, thế giới quan cũng như nhân sinh quan của  người đi làm thuê và người đi làm chủ có quá nhiều sự khác biệt mà tột đỉnh của sự khác biệt là sự đối lập. Vì thế, quá trình khởi nghiệp kinh doanh thật vô cùng gian nan vất vả.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Xin cho một ví dụ minh họa, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ok! Quá trình khởi nghiệp kinh doanh chẳng khác gì việc đôn một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp lên võ đài thi đấu quyền Anh đỉnh cao. Một quá trình vừa mang tính khai sáng vừa mang tính hủy diệt, trong thực tế nhiều khi bị hủy diệt hoàn toàn mà không kịp khai sáng!
-         Năng lực và kỹ năng trong lĩnh vực bơi lội chẳng giúp ích gì nhiều khi bước lên võ đài. Để thành công trong lĩnh vực mới, anh ta phải học hỏi những luật chơi mới của môn quyền anh. Tuy nhiên, để thực hiện được quá trình học hỏi này anh ta phải bảo toàn được tính mạng của mình qua những trận đấu sinh tử đầu tiên.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh không thể tránh khỏi sai lầm, nhưng việc sửa chữa các sai lầm thường diễn ra như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Nói chung, càng sửa thì càng sai, càng sai lại càng sửa. Quá trình khởi nghiệp kinh doanh là những ngày tháng lỗi lầm nối tiếp lỗi lầm.
Sai lầm trong sửa chữa sai lầm. (ảnh: nguồn internet)
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Việc đánh giá sự thành bại của một con người nói chung cũng như một doanh nhân nói riêng vào lúc nào là toàn diện nhất, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Tất nhiên là vào lúc đọc điếu văn trong tang lễ của người ấy!
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Điều này có ý nghĩa gì đối với người khởi nghiệp kinh doanh, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Nghĩa tử là nghĩa tận” nên mọi lỗi lầm và nợ nần ở trần gian của người khởi nghiệp kinh doanh quá cố đều được mọi người tha thứ và bỏ qua. Vì vậy, đừng ngại khởi nghiệp kinh doanh, còn đòi gì hơn thế!

4. Chiến lược cạnh tranh và sứ mệnh.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Chiến lược cạnh tranh thật là quan trọng nhưng có phải là yếu tố quan trọng nhất, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Cũng như trên chiến trường và thương trường, chiến lược cạnh tranh đóng vai trò hết sức quan trọng trong tình trường. Tuy nhiên, éo le thay, không ít anh chàng vận dụng điêu luyện chiến lược cạnh tranh đánh bại tình địch tan tác rước nàng về dinh. Nào ngờ đêm tân hôn bàng hoàng nhận ra rằng giá mà khi xưa để cho tình địch rinh nàng đi thì đẹp… cho đời mình biết bao!
Giá mà mình thua… tình địch. (ảnh: nguồn internet)
-         Rõ ràng, chiến lược cạnh tranh không thể quan trọng bằng sứ mệnh của cuộc chiến. Nói cách khác, nếu sứ mệnh của doanh nghiệp không chuẩn mà điêu luyện trong chiến lược cạnh tranh thì chỉ tổ rách việc. Lịch sử cho thấy nhiều khi không làm gì lại hay hơn nai lưng ra làm để rồi thêm khổ mà thôi.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Nếu doanh nghiệp có sứ mệnh chuẩn nhưng không quan tâm đến chiến lược cạnh tranh thì kết cục thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Cạnh tranh là đặc trưng vốn dĩ của thế giới chúng ta đang sống nói chung và thương trường nói riêng. Việc khước từ yếu tố cạnh tranh cũng chính là khước từ sự tồn tại của chính chúng ta!

5. Thị trường ngách trong khởi nghiệp kinh doanh.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Không gian chiến lược của chồn và nhiều động vật khác là hang, vậy không gian chiến lược của các doanh nghiệp khởi nghiệp là gì, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Đó là thị trường ngách. Cần tìm ra một thị trường ngách để tồn tại và phát triển ở đó trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Thị trường có nhiều ngách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp núp trong đó không, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ở các sa mạc hầu như không có ngách nên sự đa dạng sinh học rất thấp, thậm chí một số nơi hoàn toàn không có sự sống. Trong khi đó, sự đa dạng sinh học tại các dải san hô ngầm dưới đáy đại dương lại vô cùng phong phú, nguyên nhân là do ở đấy có vô số ngách cho động vật lẫn thực vật biển sinh sống.
Đa dạng sinh học ở sa mạc. (ảnh: nguồn internet)

Đa dạng sinh học ở dải san hô. (ảnh: nguồn internet)
-         Việc tìm ý tưởng kinh doanh trong một thị trường ít ngách như sa mạc sẽ khó khăn hơn so với một thị trường nhiều ngách như trong dải san hô. May mắn thay, thế giới ngày càng phẳng với phương tiện internet nên khoảng cách giữa sa mạc và dải san hô xem như gần bằng 0.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Khoảng cách gần như bằng 0 giữa sa mạc và dải san hô có ý nghĩa gì đối với khỏi nghiệp kinh doanh, thưa ngài tiên sinh?
Khoảng cách giữa Biển và Sa mạc bằng 0 nhờ internet! (ảnh: nguồn internet)
Quân sư quạt mo:
-         Nếu xem thị trường địa phương như là sa mạc còn thị trường quốc gia/khu vực/toàn cầu như là dải san hô thì ở bất cứ địa phương nào người ta cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Như thế nào thì được gọi là một ngách tốt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Thứ nhất, ngách đó phải đủ lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại và phát triển trong đó. Thứ hai, ngách ấy phải đủ nhỏ để các doanh nghiệp hùng mạnh bỏ qua không nhảy vào. Thứ ba, ngách ấy phải liên thông ra đại dương để một ngày nào đó doanh nghiệp vươn ra biển lớn.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Tại sao các doanh nghiệp hùng mạnh lại thường bỏ qua các thị trường ngách, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Dĩ nhiên, không phải vì doanh nghiệp hùng mạnh thương yêu doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp hùng mạnh bỏ qua thị trường ngách vì hai lý do: thứ nhất là ngách quá nhỏ nên có tham gia chẳng bỏ bèn gì cho cam, thứ hai là mô hình kinh doanh của họ không hiệu quả trong thị trường ngách ấy.
Anh chàng khởi nghiệp:
-         Chẳng lẽ suốt đời doanh nghiệp cứ núp trong thị trường ngách, và “chơi” một cách rình rập mãi như thế này sao, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ấy… ấy! Ở đây đang bàn về giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh. Một khi doanh nghiệp trở nên lớn mạnh thì điều chỉnh chiến lược cạnh tranh cũng chưa muộn, cụ thể là từ chiến lược chiến tranh du kích sang chiến lược chiến tranh tổng lực.


Làng Hạ, năm 6.000 trước Tây lịch thời đồ đá
Trần Ngọc Truyền


-----------------------------------------------------------------------------------------------
SÁNG TẠO DU KÝ - Nơi đánh thức và nuôi dưỡng những linh hồn sáng tạo!
Tự học sáng tạo qua BÀI VIẾT: link
Tự học sáng tạo qua HÌNH ẢNH: link
Tự học sáng tạo qua BÀI GIẢNG: link
Nhìn lại chặng đường năm đầu tiên: link

Bí mật Khóa học Business Innovation: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét