Góc nhìn kinh tế với rủi ro trong khoa học

Người đăng: ngaybennhau on Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://tintucvina.com/tin-tuc/goc-nhin-kinh-te-voi-rui-ro-trong-khoa-hoc-132329.html
Hai tập đoàn thành công nhất trong hoạt động nghiên cứu và triển khai là HP và 3M cũng phải chấp nhận một thực tế rằng tỉ lệ thành công trong hoạt động này chỉ dưới 10%. Đâu là nguyên nhân của những rủi ro?
Tại sao khoa học vẫn đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ và nhiều quốc gia vẫn chấp nhận mạo hiểm để đầu tư vào lĩnh vực này?
Thung lũng chết và biển Darwin.
Tính rủi ro trong nghiên cứu do nhiều nguyên nhân, thiếu những thông tin cần thiết và đủ tin cậy, trình độ của nhà nghiên cứu còn hạn chế, đầu tư không đủ, độ trễ của khoa học... nhiều công trình nghiên cứu sau khi kết thúc phải đến 5-10 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có đủ điều kiện ứng dụng vào thực tiễn.
Đường đi của một ý tưởng.
Có thể lấy mô hình Thung lũng chết và Biển Darwin do nhà khoa học Vern Ehler và Giáo sư kinh tế Lewis Brandscomb người Mỹ đưa ra để minh họa, từ ý tưởng khoa học chuyển thành ý tưởng kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới và xâm nhập thị trường thành công phải vượt qua hai trở ngại và rủi ro lớn trên.
Thung lũng chết là hố ngăn cách giữa nghiên cứu cơ bản tạo ra ý tưởng mới với nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo công nghệ. Đây là giai đoạn có nhiều rủi ro nhất. Quá trình tìm tòi, sáng tạo này không thể đảm bảo chắc chắn 100% thành công vì thường có những yếu tố bất ngờ, định tìm cái này lại ra cái khác.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế mức độ thành công trong giai đoạn này chỉ dưới 5%. Giai đoạn này Nhà nước phải đầu tư chính. Khoảng trống đầu tư trong Thung lũng chết hàm ý sự thiếu liên kết giữa ý tưởng công nghệ của nhà nghiên cứu với ý tưởng kinh doanh kiếm lời của nhà đầu tư hơn là sự thiếu nguồn vốn.
Qua Thung lũng chết là biển Darwin, nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với rủi ro về kỹ thuật và kinh doanh. Đây là quá trình chọn lọc tự nhiên của các ý tưởng công nghệ. Lựa chọn công nghệ gì? Cơ hội kinh doanh và quy mô thị trường thế nào? Nhiều khi công nghệ đó thành công về mặt kỹ thuật nhưng thị trường chưa chín muồi, chưa chấp nhận. Mức độ thành công ở giai đoạn này chỉ từ 50-60%.
Để vượt qua biển Darwin cần vốn đầu tư tài chính lớn từ doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các công nghệ thành sản phẩm có khả năng thương mại. Nếu nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chưa đủ tin tưởng nhau, chưa trao đổi thẳng thắn để đi đến kết quả tích cực và đồng thuận thì biển Darwin sẽ là nơi chôn vùi công nghệ mới.
Lợi ích thu được nếu chấp nhận rủi ro.
Rủi ro là quy luật đặc thù của nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu ai biết chấp nhận cuộc chơi, lợi nhuận đem lại là không thể đong đếm.
Dự án Quốc tế Bộ gen người, giải mã thông tin toàn bộ bộ gen của người được bắt đầu từ năm 1991, thông qua sự hợp tác của 18 tổ chức từ 6 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh,... với nguồn đầu tư lên đến 3 tỉ USD. Sau nhiều nỗ lực các nhà khoa học đã giải mã hơn 95% tổng số gen vào tháng 4 năm 2003. Sự thành công này tạo ra những bước tiến mới trong và công nghệ sinh học. Một số công ty, như Myriad Genetics đã bắt đầu đưa ra các giải pháp đơn giản để quản lí các kiểm tra về di truyền, có thể cho biết những bệnh dễ mắc phải của người được kiểm tra; mở ra hướng mới trong việc nghiên cứu lí thuyết.
Một ví dụ từ Việt Nam, lần đầu tiên ngành than Việt Nam áp dụng thành công công nghệ khai thác bằng giàn chống tự hành và máy khấu than, giúp đẩy nhanh tốc độ, năng suất đào lò, đảm bảo an toàn cho người lao động. Sản phẩm này là kết quả của Dự án nằm trong Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước 2006-2010 do Viện Khoa học & Công nghệ Mỏ chủ trì.
Thung lũng chết và biển Darwin.
Bên cạnh hỗ trợ từ phía Nhà nước, Viện đã bắt tay với doanh nghiệp, ký hợp tác kinh doanh với Công ty than Nam Mẫu. Tổng số tiền đầu tư lên đến 240 tỉ đồng, trong đó Công ty than Nam Mẫu đầu tư 168 tỉ đồng. Ngoài Nam Mẫu, một loạt các công ty khác như Công ty than Thống Nhất, Công ty than Hà Lầm, Dương Huy muốn hợp tác với Viện. Khả năng triển khai rộng công nghệ này rất khả quan.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng dám mạo hiểm để đầu tư đổi mới công nghệ. Theo những nghiên cứu gần đây của nhiều tác giả cho thấy, năng lực đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chỉ có 0,1% doanh thu hàng năm dành cho đổi mới công nghệ; 80% DNVVN không có chiến lược đầu tư cho KH&CN. Đầu tư của doanh nghiệp vào R&D và đào tạo chỉ chiếm từ 0- 0,2% tổng chi phí doanh nghiệp. Trong khi tỉ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ở các nước như Ấn Độ đã là 5%, Hàn Quốc là 10% (năm 2006)...
Bên cạnh lý do tài chính thì kỹ năng quản lý doanh nghiệp yếu kém cũng là vấn đề cần quan tâm (hơn 64.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh của Việt Nam có tới 45,5% số chủ doanh nghiệp có trình độ trung học phổ thông trở xuống).
Một lý do gián tiếp khác khiến doanh nghiệp chưa "mặn mà" với đầu tư đổi mới công nghệ liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước. Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho phát triển KH&CN.
Nói như vậy có nghĩa là doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư hoặc đầu tư không tới mức 10%. Nếu như chính sách có sự thúc ép mạnh hơn, tức là doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KH&CN thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn.
Công nghệ đã trở thành một trong những yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ có thể gặp phải rủi ro, là sự đầu tư mạo hiểm, nhưng lợi nhuận thu được vô cùng lớn.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có cái nhìn xa hơn và toàn diện hơn về những rủi ro trong nghiên cứu, như vậy mới có được những bước đột phá trong việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh với quốc tế.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét