6 Phép thuật để thỏa mãn nhu cầu

Người đăng: ngaybennhau on Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

6 PHÉP THUẬT ĐỂ THỎA MÃN NHU CẦU
Đệ tử:
-         Giả sử một ai đó có nhu cầu ăn chuối thì có những cách thức nào để thỏa mãn nhu cầu này, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Không chỉ nhu cầu ăn chuối mà mọi nhu cầu khác của con người có thể được thỏa mãn bằng mấy cách sau:
-         Thứ nhất, tước đoạt chuối của người khác mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Đoạt.
Cánh đàn ông tự nguyện chăng? (ảnh: nguồn internet)

 -        Thứ hai, tự trồng chuối mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Tự.
-         Thứ ba, xin chuối của người khác mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Xin.
-         Thứ tư, mượn chuối của người khác mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Mượn.
-         Thứ năm, lấy thứ khác - con gà mái mơ chẳng hạn - đổi chuối mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Đổi.
-         Thứ sáu, quyến rũ người khác để họ tự nguyện đưa chuối cho mà ăn, thời đồ đá gọi đây là phép Quyến.
-         Tóm lại, có sáu phép thuật để thỏa mãn nhu cầu của con người đó là: Đoạt-Tự-Xin-Mượn-Đổi-Quyến.

1. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Đoạt.
Đệ tử:
-         Phép Đoạt có thường xảy ra trong cuộc sống không, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Xảy ra thường xuyên như cơm bữa trên nhiều lĩnh vực khác nhau dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn trộm gà, hái bí, đá cá, lăn dưa, kỳ bẽo, cướp xe, giựt tiền, nẫng ví, moi thóc, cọp thông tin, nhón kẹo, quay tài liệu,… Ôi nhiều vô số kể.
Một bên Đoạt, một bên Xin. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Vào thời đồ đá, những thứ bị đoạt nhiều nhất là đồ ăn, thức uốngvà… tình yêu, còn trong thời computer những thứ nào bị đoạt nhiều nhất, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Trong thời computer - thời đại thông tin - những thứ bị đoạt nhiều nhất là tri thức, thông tin và... tình yêu! Chẳng hạn, hàng giả đội lốt thương hiệu nổi tiếng, giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,…
-         Trong một xã hội càng hiện đại thì số lượng và vai trò của thầy cãi càng lớn. Điều đó chứng tỏ phép Đoạt ngày càng tinh vi và... tinh tế! Một số người hành phép Đoạt không phải là những tay mơ về tâm lý học, về ứng dụng công nghệ và nhiều lĩnh vực khác!
Đệ tử:
-         Dẫu biết rằng phép Đoạt vi phạm đạo đức xã hội, vậy tại sao vẫn có người bất chấp điều đó mà hành phép Đoạt, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Vì ông tổ nghề ăn trộm đã huấn thị rằng: “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”. Nói cách khác, trừ phương diện đạo đức, cái được của phép Đoạt lớn hơn nhiều so với cái mất nếu… trót lọt. Tính kinh tế của phép Đoạt to lớn đến mức khó cưỡng!
Oan này biết tỏ cùng ai? (ảnh: nguồn internet)


Có cần khóa nữa không? (ảnh: nguồn internet)

Một tiền gà ba tiền thóc! (ảnh: nguồn internet)

2. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Tự.
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về phép Tự. Nhược điểm của phép tự cung tự cấp hay tự sản tự tiêu dùng là gì, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Thứ nhất, không phải ai cũng có thể trồng chuối để tự dùng vì mỗi con người/doanh nghiệp/quốc gia đều có những giới hạn nhất định về năng lực và kỹ năng của mình. Khi vượt qua giới hạn đó, thường dẫn đến kiệt quệ, thương tổn và thất bại.
-         Tuy nhiên, khi vượt qua được thì năng lực và kỹ năng có xu hướng mở rộng ra nhưng kèm theo một khoản học phí. Học phí trong lĩnh vực sáng tạo rất đắt, có thể đắt tới mức hủy diệt hoàn toàn. Sáng tạo là một quá trình vừa mang tính khai sáng vừa mang tính hủy diệt và bi kịch là khi chưa kịp khai sáng đã bị hủy diệt hoàn toàn.
-         Ví dụ, trên thế giới hầu hết các quốc gia đều sử dụng máy bay vận tải hành khách cỡ lớn. Tuy nhiên số quốc gia có năng lực công nghệ sản xuất được loại máy bay thì rất ít.
-         Thứ hai, nhiều khi sản phẩm tự làm ra không có hiệu quả kinh tếbằng việc mua của người khác. Chẳng hạn, Singapore không thể phát triển ngành nông nghiệp lúa nước vì diện tích quốc gia quá nhỏ, ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu từ quốc gia láng giềng là Malaysia.
-         Hiệu quả kinh tế bị chi phối bởi lợi thế so sánh giữa các cá nhân/doanh nghiệp/quốc gia trên từng dòng sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế còn phụ thuộc vào lợi thế qui mô của quá trình sản xuất/phân phối.
Tự phục vụ. (ảnh nguồn internet)
Đệ tử:
-         Ưu điểm của phép Tự, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Nhiều người không dám ăn rau xanh mua ngoài chợ vì sợ chất kích thích tăng trưởng nên đành phải tự trồng để ăn. Phong trào trồng rau tự dùng ở đô thị tuy thầm lặng những cực kỳ sôi động, họ trồng trên sân thượng, ban công và cả trong nhà bếp hoặc phòng ngủ.
-         Có những cô nàng nấu ăn không được ngon lắm nhưng chồng phải cố gắng nuốt vì đây là sản phẩm tự sản tự tiêu trong gia đình mang tính tình cảm. Khó nuốt cũng phải cố, không nuốt là tự sát!
Tự thu hoạch cây nhà lá vườn. (ảnh nguồn internet)
 Đệ tử:
-         Tại sao cánh đàn ông lại thích ăn phở dù có cơm thừa mứa ở nhà, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Đành rằng phở hay cơm khi tiêu hóa cũng được phân rã thành những thành phần cơ bản của dinh dưỡng là protein, gluxit, lipid, vitamin và chất khoáng. Đây chỉ là yếu tố vật chất của ẩm thực, một yếu tố khác quan trọng không kém mang giá trị tinh thần đó là cái xinh đẹp, cái mới lạ trong ẩm thực. Đây là cơ sở khoa học cho sự tồn tại của các tiệm phở.
Đệ tử:
-         Một trong những xu hướng sử dụng lao động trong thời computer là thuê lại lao động, chẳng hạn thuê vệ sĩ từ công ty dịch vụ bảo vệ, thuê kế toán viên từ công ty dịch vụ kế toán. Cơ sở kinh tế học của xu hướng này là gì, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Thứ nhất, là sự chuyên môn hóa và/hoặc một cảm giác chuyên nghiệp. Đành rằng các vệ sĩ chưa chắc đã có võ, chưa chắc biết sử dụng bình cứu hỏa, chưa chắc có thâm niên bảo vệ trên 01 ngày nhưng chỉ cần khoác áo đồng phục của công ty bảo vệ đã là thấy yên tâm rồi.
-         Thứ hai, là tính kinh tế theo qui mô. Chi phí lao động xã hội cho một kế toán viên trong công ty dịch vụ kế toán thường thấp hơn chi phí lao động xã hội cho một kế toán nội bộ của doanh nghiệp.
-         Thứ ba, là tính độc lập tạo sự minh bạch. Bản báo cáo tài chính do nội bộ do các công ty cung cấp thường không tạo được sự tin cậy đối với một số đối tượng khác nhau, các nhà đầu tư chẳng hạn. Vì vậy, kiểm toán độc lập là bắt buộc đối với tất các công ty đại chúng.
-         Thứ tư, trong thời computer, hàm lượng tri thức trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng cao nên việc thuê/mua ngoài (outsourcing) còn mang ý nghĩa mua tri thức tiềm ẩn trong các sản phẩm, dịch vụ ấy. Ngoài yếu tố tri thức, còn có những yếu tố khan hiếm khác được xử lý theo phương thức này. Chẳng hạn, Israel nhập khẩu lúa mì thay cho trồng lúa mì bao hàm ý nghĩa nhập khẩu... nước cho việc trồng lúa mì! Thật là cao tay!

3. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Xin.
Đệ tử
-         Xin thỉnh giáo về phép Xin, thiên hạ thường xin những thứ gì, thưa Ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Phép Xin được thể hiện vô cùng sinh động: xin việc, xin tình yêu, xin đừng làm phiền, xin hôn, xin niềm hy vọng, xin lương, xin cơ chế, xin phúc khảo bài thi, xin quá giang, xin dự thi, xin thi lại, xin đăng ký kết hôn, xin ý kiến, xin trứng, xin tinh trùng, xin tiền, xin hồ sơ, xin xăm, xin quẻ, xin làm quen, xin kiếu, … Ôi nhiều vô số kể.
Ngày nào cũng xin sao! (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử
-         Tâm trạng của người đi xin thường như thế nào, thưa Ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Tất nhiên, người đi xin có vị thế tâm lý thấp hơn so với người được thỉnh cầu, đặc biệt là trong trường hợp xin tình yêu. Hãy lắng nghe bài hát Mong chờ của nhạc sĩ Xuân Tiên qua tiếng hát nữ ca sĩ Hoàng Oanh.
Đệ tử
-         Tâm trạng của người cho thường mãn nguyện chứ, thưa Ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Cũng tùy thôi! Nói chung, đau đớn nhất trong các thứ cho đi là cho... vừa lòng người khác bằng mọi giá. Hãy lắng nghe bài hát Cho vừa lòng em của nhạc sĩ Nhật Ngân qua tiếng hát nam ca sĩ Chế Linh.
Đệ tử
-         Tại sao có những thứ người ta cho không biếu không thì được xem là bình thường còn mua bán thứ đó thì được xem là bất thường, thưa Ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Vì pháp luật thì cấm, còn đạo đức thì không khuyến khích mua bán thứ đó nên đành phải cho không biếu không.
Cuộc đời nào biết ai khôn ai dại! (ảnh: nguồn internet)

Không ngờ bình yên lại quan trọng đến thế!(ảnh: nguồn internet)

4. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Mượn.
Đệ tử:
-         Tại sao những đứa bé còn ngây thơ thì ai cũng thấy đáng yêu, nhưng khi chúng lớn lên thì không hẳn như thế, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Tại vì không ai biết được tuổi thơ của chính mình nên họ mượn hình ảnh của đứa bé để tìm về chính mình khi xưa. Họ đối xử với đứa bé như là đối xử với chính họ khi xưa. Họ thương chính họ chứ không hẳn là thương yêu đứa bé này. Họ đang hành phép Mượn đấy thôi!
Hình ảnh của chính mình khi xưa? (ảnh: nguồn internet)


Hình ảnh của chính mình khi xưa? (ảnh: nguồn internet)


Còn gì là mượn nữa trời! (ảnh: nguồn internet)

5. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Đổi.
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về phép đổi, tại sao phép Đổi chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong các giải pháp thỏa mãn nhu cầu, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Nhu cầu của con người ngày càng cao, vì vậy cần có sự phối hợp lao động xã hội để sản xuất ra các sản phẩm dịch vụ. Một mặt khác, năng lực của con người càng được chuyên môn hóa. Kết quả là con người chỉ bán một hoặc vài sản phẩm nhưng cần sử dụng rất nhiều sản phẩm khắc.
-         Vì vậy, sự trao đổi là xu thế tất yếu, đó là nền tảng cho sự chuyển hóa từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường.
Tiền trao cháo múc trên thị trường. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Vay tiền của ngân hàng có phải là phép Đổi không, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Đi vay tiền thực chất là đi thuê quyền sử dụng tiền, tiền lãi là chi phí thuê quyền sử dụng này. Vì vậy, vay tiền thực chất là phép Đổi.

Tiền không phải là tất cả! (ảnh: nguồn internet)


Hàng độc này ai dám rước? (ảnh: nguồn internet)


Bằng chứng hùng hồn cho sự toàn cầu hóa. (ảnh: nguồn internet)


Sự tận tụy tuyệt vời của thú cưng. (ảnh: nguồn internet)


Nghệ thuật xếp hình bằng tiền. (ảnh: nguồn internet)

6. Thỏa mãn nhu cầu bằng phép Quyến.
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về phép Quyến, cơ sở khoa học của phép quyến rũ là gì, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Vào thời đồ đá, phép quyến rũ dựa trên qui luật: đàn ông chinh phục thế giới để chinh phục đàn bà; đàn bà chinh phục đàn ông để chinh phục thế giới!
Cơ sở khoa học của phép Quyến rũ thời đồ đá.(ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Xin phân tích rõ hơn, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Vào thời đồ đá, quyền lực chủ yếu có được và duy trì bằng bạo lực, trong bối cảnh đó cánh đàn bà phải cam chịu nhiều thứ. Họ muốn giảm thiểu sự cam chịu và thậm chí muốn chi phối thế giới nhưng bạo lực là sở đoản nên họ sáng tạo ra một dạng quyền lực mới chi phối cánh đàn ông đó là nghệ thuật quyến rũ. Lịch sử cho thấy có những cô nàng liễu yếu đào tơ đã xoay chuyển cục diện thời thế, chẳng hạn nàng Cleopatra của Ai Cập hay nàng Helen của thành Troy.
-         Nghệ thuật quyến rũ không chỉ độc quyền của phái yếu. Người quyến rũ vĩ đại là nam giới đầu tiên trong lịch sử là công tước Lauzun - người đã tạo cảm hứng cho truyền thuyết Don Joan! Từ đó về sau, đồ đệ của Don Juan hiện diện ở khắp muôn nơi.
Đệ tử:
-         Vào thời computer, nghệ thuật quyến rũ ra sao, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
-         Vào thời computer, nghệ thuật quyến rũ đạt đến đỉnh cao chói lọi. Mỗi con người dù hoàn hảo đến mấy đều có những khiếm khuyết riêng, giống như một bức tranh còn thiếu mảnh ghép cuối cùng và họ bị quyến rũ bởi những ai có khả năng điền được mảnh ghép ấy.
-         Những tay marketer đắc thủ nghệ thuật quyến rũ luôn có những giải pháp tiếp thị, quảng cáo tuyệt vời. Họ đạt đến đẳng cấp quyến rũ khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ!
Có khó khăn với các tay tổ phép Quyến?(ảnh: nguồn internet)


Trần Ngọc Truyền
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét