Các rào cản cá nhân trong đổi mới và sáng tạo

Người đăng: ngaybennhau on Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.softskill.edu.vn/newsdetails.aspx?id=267&newsid=8686
Đổi mới và sáng tạo luôn luôn tạo ra những cơ hội và bứt phá thật sự trong công ty. Năm 2012, Kềm Nghĩa sáng tạo và đột phá khi tăng lương cho cán bộ công nhân viên. Vinamit mạnh dạn đưa ra thị trường Vinamit café hòa tan cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thị trường. Công ty MISA đưa ra các giải pháp phần mềm quản lý trên nền tảng điện toán đám mây và quản lý nhân sự trên nền tảng mobile. Thành công của sáng tạo và đổi mới luôn luôn hấp dẫn nhưng tại sao trong thực tế các cá nhân trong công ty vẫn trung thành với các suy nghĩ và tiếp cận hiện tại. Câu hỏi làm thế nào để nhân viên đổi mới và sáng tạo luôn là câu hỏi các cấp quản lý đối mặt hàng ngày. Bài báo chia sẻ một số kinh nghiệm và trao đổi trong hội thảo ngày 16/08/2012 về các lý do tại sao các cá nhân chưa sẵn sàng thực hiện đổi mới và sáng tạo.
1. Sự thỏa mãn: Thỏa mãn với thực tại là nguyên nhân thường gặp ngăn cản sự sáng tạo và đổi mới. Các cá nhân thành công là những người có ít động lực sáng tạo nhất vì họ luôn luôn tự hỏi tại sao phải thay đổi khi chúng ta đang thành công. Đây cũng là một lý do giải thích tại sao các công ty rất thành công trên thị trường sẽ thất bại khi đối thủ có những sáng tạo thay đổi hoàn toàn khái niệm kinh doanh. Trường hợp Nokia và Apple là ví dụ điển hình
2. Thành công nên sợ thất bại: Thành công trong hiện tại đảm bảo cho các cá nhân những quyền lợi và lợi ích. Các lợi ích hiện tại sẽ khiến cho các cá nhân suy nghĩ về mất mát khi thực hiện đổi mới và sáng tạo. Đổi mới và sáng tạo luôn luôn đi kèm với rủi ro. Rất ít cá nhân đánh cược lợi ích hiện tại để nhận rủi ro chắc chắn. Một lý do thứ hai, các cá nhân luôn luôn có xu hướng lẩn tránh thất bại. Đó là tâm lý chung của con người.
3. Bảo toàn vị trí đang nắm giữ: Lý do kế tiếp trong các công ty do các cấp lãnh đạo đặc biệt cấp lãnh đạo trưởng phòng có xu hướng bảo toàn vị trí đang ngồi làm việc thay vì hướng tới lợi ích công ty khi thực hiện đổi mới sáng tạo. Họ luôn luôn suy nghĩ nếu như thực hiện đổi mới sẽ tạo ra những lỗi và thất bại nào. Các lỗi và thất bại này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới vị trí họ đang đảm nhiệm. Trong khi đó thành công trong đổi mới chưa chắc đã tạo ra những điều tốt đẹp cho vị trí của họ.
4. Nhận thức chưa đúng về đổi mới và sáng tạo:Trong suy nghĩ của nhiều người, đổi mới và sáng tạo là một điều gì đó to lớn như Steven Job tạo ra Iphone. Suy nghĩ đó chính xác nhưng chưa hợp lý. Đổi mới và sáng tạo hiện hữu trong mọi công việc hàng ngày trong mọi công ty. Một ví dụ nhỏ về đổi mới sáng tạo tại bộ phận tuyển dụng. Thay vì tuyển dụng các cá nhân xin việc, bộ phận tuyển dụng có thể liên lạc các tham chiếu trong CV của ứng viên để có thể tuyển dụng các vị trí cao hơn
5. Quan hệ nhân quả: Không cá nhân nào đầu tư nguồn lực và nỗ lực để tạo ra những kết quả không đem lại lợi ích cho họ. Một nhân viên bán hàng sẽ tập trung 101 % thời gian để tạo ra doanh thu vì họ hiểu doanh thu ảnh hưởng tới thu nhập của họ vào cuối năm. Một khi đổi mới và sáng tạo chưa gắn kết rõ ràng với lương thưởng quyền lợi của nhân viên, sáng tạo và đổi mới chỉ là những nỗ lực của duy nhất từ cấp lãnh đạo. Công ty cần qui định rõ cụ thể của KPI đổi mới và sáng tạo. Theo quan điểm tác giả bài viết, KPI về đổi mới và sáng tạo chỉ nên áp dụng phân biệt giữa nhân viên giỏi , xuất sắc và các nhân viên bình thường thay vì áp dụng hình thức trong toàn công ty. Một số ví dụ điển hình về KPI sáng tạo: ít nhất trong một quý, phòng ban phải có một sáng kiến trong kinh doanh và vận hành, các phòng ban phải có ít nhất 1 dự án thực hiện sáng tạo và đổi mới trong thời gian nửa năm, các cá nhân xuất sắc trong công ty cần phải có 1 sáng kiến được giám đốc phê duyệt và áp dụng trong toàn bộ công ty. Công ty nên có các chương trình khen thưởng cho các thành tích về đổi mới và sáng tạo trong toàn công ty.
6. Thiếu về năng lực sáng tạo và đổi mới: Có nhiều cá nhân rất muốn thực hiện sáng tạo và đổi mới nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu và thực hiện những gì. Công ty cần có các chương trình đào tạo hướng dẫn họ thực hiện. Một cách tốt hơn, công ty cần lập nhóm đổi mới và sáng tạo, các thành viên nhiệt tình có thể tham gia vào trong nhóm và cùng nhau thực hiện các chương trình đổi mới và sáng tạo.
7. Áp lực công việc hiện tại: các cấp quản lý và nhân viên hiện tại chịu quá nhiều áp lực trong công việc. Giải quyết các áp lực đó tốn rất nhiều thời gian và nỗ lực. Tuy vậy, nếu không có các phương pháp sáng tạo và đổi mới, các áp lực công việc sẽ không giảm bớt theo thời gian.
8. Công ty hướng về các hoạt động hiện tại:Trong công ty, nhiệm vụ đầu tiên của các nhân viên và quản lý đó là tuân thủ theo chiếc “ Chiếc Hộp Quản Lý “ do công ty đưa ra. “ Chiếc Hộp Quản Lý “ bao gồm qui trình, qui định, chính sách, cơ cấu, các thói quen làm việc không chính thức. Theo thời gian, trong bản thân nhân viên sẽ hình thành thói quen tuân thủ đảm bảo kết quả trong kinh doanh. Đây là một nghịch lý các CEO cần quan tâm để duy trì năng lực sáng tạo song hành cùng tuân thủ “ Chiếc Hộp Quản Lý “
9. Tính cách cá nhân: tính cách ảnh hưởng rất nhiều tới động lực sáng tạo và đổi mới. Có những cá nhân luôn luôn tìm tòi sáng tạo nhưng cũng có tính cách an phận trong công việc. Xác định và lựa chọn các cá nhân có xu hướng sáng tạo và đổi mới là một thách thức trong công tác quản lý.
Chín yếu tố trên là các lực cản cá nhân đổi mới và sáng tạo trong công ty. CEO và phòng nhân sự cần phải suy nghĩ và có kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nhân viên thật sự tham gia trong quá trình đổi mới và sáng tạo.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét