May mắn được làm việc trong môi trường đa quốc gia đã giúp tôi tham gia vào lĩnh vực kỹ năng mềm khá sớm, và ứng dụng nó trong cuộc sống cũng như nhiều lĩnh vực khác nhau như marketing, quản trị, chiến lược kinh doanh...
Kỹ năng tư duy sáng tạo trong kinh doanh là một kỹ năng mà tôi luôn say mê và vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi.
Tuy vậy, những câu chuyện về tư duy sáng tạo ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là những câu chuyện rất giản dị và đời thường.
Xin kể một vài mẩu chuyện đã lướt qua hành trình kỹ năng mềm tư duy sáng tạo của tôi.
Một lần, tôi giảng chuyên đề “Hoạch định thương hiệu” cho một lớp Giám đốc thương hiệu (Brand Manager), đề cập đến khái niệm định vị thương hiệu cần phải sáng tạo và tạo sự khác biệt, để từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho thương hiệu.Hết giờ học, một học viên đưa cho tôi một con hạc giấy và bảo: “Em tặng thầy con hạc này, đây là một nét khác biệt phải không thầy! Em chúc thầy may mắn và mọi điều tốt lành! Thầy nhớ giữ nhé”.
Tôi thật sự ngỡ ngàng và xúc động! Sự sáng tạo và khác biệt của em sao bình dị và nhẹ nhàng, nó khác hẳn với những tư duy sáng tạo trong kinh doanh đầy tính cạnh tranh và áp lực.
Cuối khóa học, em và nhóm của em đến gặp tôi để nhờ hướng dẫn đề tài tốt nghiệp. Em bảo nhóm của em sẽ làm đề tài sản phẩm dinh dưỡng cho đàn ông. Một lần nữa em làm tôi ngạc nhiên về ý tưởng sáng tạo.
Một sản phẩm dinh dưỡng chỉ dành cho phái mạnh, một khái niệm mới trong ngành, một sản phẩm sẽ giúp phái mạnh trở nên khỏe khoắn và mạnh mẽ hơn. Với cách trình bày của em và nhóm, tôi thấy tràn ngập sự lạc quan và hào hứng.
Sau buổi gặp, em tặng tôi một sản phẩm tự chế - một sản phẩm trang trí được làm bằng nhựa tái chế, một mạch nhỏ, vài bóng đèn nhỏ và một cục pin. Không phải là dân kỹ thuật, nhưng em đã tạo được một sản phẩm mang tính công nghệ đầy sáng tạo và có ý nghĩa bảo vệ môi trường.
Buổi khác, tôi giảng về tư duy sáng tạo cho giám đốc điều hành (CEO). Đến phần sơ đồ não bộ, lớp học chia làm hai nhóm thảo luận. Một nhóm chọn đề tài “Chống ngập cho thành phố”, nhóm kia là “Đòi nợ trong thời lạm phát”. Mọi người thảo luận sôi nổi và hào hứng. Chưa đầy 10 phút đã có trên 50 ý tưởng ra đời.
Trong lần tham dự hội thảo về giải pháp kinh doanh, tôi gặp một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Anh khoe công ty anh vừa sáng tạo ra một “công nghệ kết nối tri thức”.
Xem các hội thảo và website kết nối tri thức của công ty anh, thấy cũng giản dị và đơn giản, nhưng hiệu quả lại khá bất ngờ. Anh nói: “Càng nhiều người kết nối, càng nhiều người đóng góp, càng nhiều người sáng tạo, càng nhiều người đột phá, càng nhiều người dám mang tri thức giúp đời thì càng tiếp thêm sức mạnh cho tri thức”.
Gặp một anh bạn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, anh tâm sự vừa tuyển được một “tổng quản”. Anh cho biết đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để giám đốc mới này có thể sáng tạo và tự chủ trong việc điều hành và ra quyết định.
Anh chia sẻ: “Những giám đốc trẻ bây giờ có năng lực, được đào tạo bài bản và trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp, tại sao không cho họ đất để dụng võ, để sáng tạo, để đột phá, lời thì cùng lời, lỗ cùng chịu lỗ, có gì đâu mà ngại”.
Tôi xin kết thúc bằng một câu chuyện rất đời thường: Tôi có một đứa cháu đang học lớp 1. Nhân ngày dành cho mẹ, cô giáo trong lớp hướng dẫn cháu làm thiệp chúc mừng mẹ.
Ở trường về, cháu rất hào hứng chờ mẹ đi làm về để tặng mẹ tấm thiệp đó. Mẹ cháu nhận thiệp và khen liền: “Con làm rất đẹp, mẹ cám ơn con!”. Nhận được lời khen của mẹ, mỗi ngày cháu đều làm thiệp chúc mừng, hôm thì tặng bố, hôm thì tặng em, rồi tặng ông, bà, cô...
Những tấm thiệp cháu làm, mỗi tấm mỗi vẻ, màu sắc sặc sỡ, cảnh sắc đơn sơ, nét vẽ còn chưa vững, nhưng sao lòng thấy xúc động quá! Sự sáng tạo thật đơn sơ và bình dị!
Khi nghe đến tư duy sáng tạo, người ta thường hay nghĩ đến một công trình lớn làm thay đổi thời đại, thay đổi thế giới. Thực tế đâu hẳn vậy!
Tư duy sáng tạo là tài sản quý giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tư duy sáng tạo tốt có thể mang lại hạnh phúc cho cá nhân, cho cộng đồng, giúp làm đẹp cuộc sống, giúp trẻ con phát huy trí tư ởng tượng và phát triển toàn diện, giúp doanh nhân kết nối giúp đời, giúp những giám đốc thương hiệu tạo ra khái niệm mới, sản phẩm mới phục vụ cuộc sống, giúp giám đốc điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn và tận dụng được năng lực cũng như trải nghiệm của nhân viên ...
Chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không tiếp tục “tư duy ngoài chiếc hộp” (think out of the box), dám tư duy đột phá, dám hành động, dám thay đổi ...
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét