Ông Lê Bá Ngọc– Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đã nhận định như vậy, khi đề cập đến vấn đề khó khăn của ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay.
CôngThương - Xuất khẩu tăng, lợi nhuận giảm
Theo Vietcraft, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) tính đến hết tháng 8/2012 đạt 1,1 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành TCMN Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 40%, tiếp đến thị trường EU với khoảng 30%.Những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ thị trường EU sang Mỹ khá rõ nét và người tiêu dùng nước này ngày càng ưa chuộng sản phẩm TCMN của Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/ 2012, kim ngạch xuất khẩu TCMN sang thị trường Mỹ đạt 405 triệu USD, thị trường EU đạt 380 triệu USD. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1,6 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng nhẹ nhưng lợi nhuận thu của doanh nghiệp giảm mạnh. Ông Lê Bá Ngọc– Tổng thư ký Vietcraft - cho rằng, lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp không thể đầu tư tái sản xuất, trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng.
Theo ông Ngọc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thị trường xuất khẩu truyền thống EU bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, nên lượng đơn hàng và giá bán giảm mạnh.
Không riêng xuất khẩu, tiêu thụ TCMN trong nước cũng giảm mạnh do sức mua yếu. Cộng thêm tình trạng giá nguyên liệu đầu vào cao khiến giá thành sản phẩm tăng, khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nước khác.
Cần tạo đột phá
Ông Tạ Quang Cận- Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Hà –UDOMXAY (Nam Định) – cho biết, TCMN chưa bao giờ khó như hiện nay, hàng không bán được, cạnh tranh khó khăn, đặc biệt từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, yếu tố thị trường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của TCMN hiện nay, bởi sản phẩm của Việt Nam thiếu tính sáng tạo, không có sản phẩm mới, đây mới là gốc rễ của vấn đề.
TCMN Việt Nam lâu nay sản xuất đại trà, không đa dạng, dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp. “TCMN được sản xuất theo kinh nghiệm và mẫu mã truyền thống, do thiếu sự đột phá về sáng tạo, lạc hậu so với xu hướng của thế giới”- ông Ngọc nói
Theo ông Ngọc, để khắc phục tình trạng này phải tập trung đầu tư cho thiết kế, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, Vietcraft đang tập trung nhiều vào những dòng sản phẩm mới, không chỉ khắc phục tình trạng khó khăn hiện tại mà còn nâng cao giá trị đơn hàng xuất khẩu.
“Tới đây, Vietcraft sẽ khai trương Trung tâm thiết kế quốc gia về hàng TCMN. Ngoài chức năng sáng tạo ra những mẫu mã mới, trung tâm còn có nhiệm vụ nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của các thị trường và cung cấp cho doanh nghiệp”- ông Ngọc cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, TCMN Việt Nam bộc lộ rõ những điểm yếu lâu nay về tính sáng tạo, đây là nguyên nhân chính gây nên việc khó cạnh tranh với hàng nước ngoài. |
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét